Tiêu chuẩn Việt Nam về thang máng cáp được quy định và ban hành nhằm đảm bảo chất lượng kỹ thuật trong thiết kế, thi công. Bạn có nhu cầu thang máng cáp không thể không quan tâm tới tiêu chuẩn này.
Nội dung tiêu chuẩn thang máng cáp được chúng tôi chia sẻ trong phần tiếp theo của bài viết.
Tiêu chuẩn thiết kế thang máng cáp
Thiết kế hệ thống thang máng cáp có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian hoàn thiện. Tiêu chuẩn thiết kế thang máng cáp phổ biến hiện nay như sau:
Vật liệu thang máng cáp
Vật liệu của thang máng cáp phù hợp với điều kiện môi trường. Ngoài ra phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Một số loại vật liệu được sử dụng sản xuất thang máng cáp là:
- Tôn mạ kẽm
- Tôn không gỉ
- Sơn tĩnh điện bề mặt
- Nhúng nóng mạ kẽm
Độ dày của thang máng cáp
Độ dày thang cáp và máng cáp phụ thuộc vật liệu.
- Thang máng cáp sơn tĩnh điện có độ dày: 1, 1.2, 1.5 và 2
- Thang máng cáp nhúng nóng có độ dày: 1.5 và 2
Tải trọng cho phép của thang máng cáp
Tải trọng của thang máng cáp chính là độ võng giữa 2 điểm gối đỡ <1/300 nhịp. Tính toán tải trọng cho phép quyết định độ chắc chắn và an toàn của thang máng cáp.
Khoảng cách giữa cây đỡ của thang máng cáp
Khoảng cách tiêu chuẩn là 1.5m- 2m. Đối với loại thang máng cáp nặng thì cần loại cây đỡ tải trọng lớn.
Bán kính cong
Phụ kiện và kích thước cáp quyết định bán kính cong.
- Đường kính ngoài của cáp <100, R 400mm
- 100<đường kính ngoài<160, R600mm
Tiêu chuẩn lắp lắp đặt thang cáp
Lắp đặt thang máng cáp tuân thủ theo quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 9208:2012 của Bộ Khoa học Công nghệ. Nội dung quy định cụ thể tại điều 6, điều 7 của Văn bản.
Điều 6: Lắp đặt cáp và dây dẫn điện trong khay và thang cáp
6.1. Phải sử dụng hệ thống khay và thang cáp để bảo vệ cáp điện trong phạm vi nhà xưởng có số lượng cáp lớn.
6.2. Hệ thống khay và thang cáp phải được lắp hoàn chỉnh trước khi đặt cáp.
6.3. Ở những nơi cần thiết, hệ thống khay và thang cáp phải được lắp đặt cùng với cút nối, tê, khâu chữ thập, khâu thu hẹp, nắp đậy khay và các phụ kiện khác.
6.4. Tuyến khay hoặc thang cáp không rộng hơn 1200 mm, phải có giá đỡ hoặc quang treo sau mỗi cự ly từ 1 m đến 3 m, cự ly này phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.
6.5. Giã đỡ hoặc quang treo phải được cố định vào các kết cấu xây dựng hoặc hàn vào các mã thép cấy trong kết cấu bêtông của trần.
6.6. Khay và thang cáp phải đủ rộng để tất cả các cáp nằm bên trong dàn thành một lớp. Khoảng hở giữa hai cáp kề nhau phải chừa đủ để buộc cáp vào then ngang của thang hoặc đáy khay cáp bằng dây thắt nhựa.
6.7. Vật liệu chế tạo khay hoặc thang cáp phải là thép mạ kẽm nóng hoặc có lớp phủ ngoài bằng vật liệu chống gỉ và chống ăn mòn.
6.8. Các cáp trong khay và thang cáp phải được sắp xếp theo thứ tự, phân thành từng nhóm tùy theo chức năng và được cố định bằng dây thắt nhựa.
6.9. Khay và thang cáp phải có độ bền và độ cứng thích hợp để có thể đỡ toàn bộ cáp chứa trong khay hoặc thang cáp.
6.10. Khay và thang cáp không được có cạnh sắc, mặt thô ráp hoặc ba via để không làm hỏng cách điện hoặc lớp vỏ ngoài của cáp. Vít và bulông không được nhô lên khỏi mặt trong của khay hoặc thang cáp.
6.11. Ở những nơi có sử dụng cút, tê, khâu chữ thập, khâu thu hẹp v.v…tuyến khay hoặc thang cáp phải được bảo đảm tính liên tục về điện, nhưng không được dùng bản thân khay hoặc thang cáp làm dây tiếp đất.
6.12. Ở những nơi có cáp từ trong khay hoặc thang cáp luồn vào ống đi dây hoặc một phương tiện bao che khác, phải bố trí giá đỡ chắc chắn nhằm ngăn chặn sức căng tác dụng lên cáp.
6.13. Tại những nơi tuyến khay hoặc thang cáp có nguy cơ tích lũy bụi hoặc có vật liệu rơi vào, hoặc có hiệu ứng nhiệt, phải xem xét để bố trí phương tiện bảo vệ bổ sung như mái che, quạt thông gió v.v…
6.14. Khi cần tránh các tuyến ống cơ khí thủy lực hoặc kết cấu xây dựng, phải trình bản vẽ chi tiết của đoạn tuyến khay hoặc thang có sửa đổi với cơ quan tư vấn thiết kế để được phê duyệt trước khi thi công.
6.15. Nơi nào nước mưa thấm qua các cửa thông bố trí dọc theo tuyến khay hoặc thang cáp thì phải xem xét thực hiện biện pháp ngăn chặn nước xâm nhập.
6.16. Tuyến thang cáp chạy thẳng đứng phải được bảo vệ bằng nắp đậy kim loại chống ăn mòn và chống tác hại cơ học trong phạm vi 2 m tính từ sàn hoàn thiện hay mặt đất trở lên.
6.17. Chung quanh khay hoặc thang cáp phải chừa hoặc duy trì đủ không gian nhằm cho phép tiếp cận dễ dàng để lắp đặt và bảo trì cáp.
6.18. Khay và thang cáp phải được tiếp đất và được nối đất với dây tiếp đất gần nhất.Tuyến khay và thang cáp dài phải được nối đất lặp lại sau mỗi cự ly nhất định do thiết kế quy định cho từng công trình.
6.19. Phải cố định cáp chắc chắn vào then ngang của thang hoặc đáy đục lỗ của khay bằng dây thắt nhựa sau mỗi khoảng cách từ 3 m đến 1,5 m đối với tuyến chạy theo phương nằm ngang hoặc từ 1,5 m đến 0,5 m đối với tuyến chạy theo phương khác. Cáp càng to khoảng cách buộc càng ngắn.
6.20. Nắp trên của khay hoặc thang cáp và các phương tiện bảo vệ bổ sung phải được tháo lắp dễ dàng.
6.21. Tại những nơi tuyến khay hoặc thang cáp chạy xuyên qua trần, tường hoặc sàn nhà ngăn cách phòng có điều hòa không khí với phòng không có điều hòa không khí, phải bịt kín lỗ thông và phải bảo đảm khả năng cách nhiệt giữa các phòng.
6.22. Cáp đi từ trong khay hoặc thang cáp ra ngoài không được vượt lên trên thành bên của khay hoặc thang cáp để không làm cản trở việc đậy nắp khay hoặc thang cáp.
6.23. Khi có nhiều tầng khay hoặc thang cáp hạ áp chạy song song dưới trần nhà theo cùng một hướng, tầng này chạy trên tầng kia thì khoảng cách giữa hai tầng liên tiếp không được nhỏ hơn 200 mm. Khoảng cách của tầng trên cùng đối với trần hoặc dầm gần nhất không được nhỏ hơn 300 mm.
6.24. Khi có nhiều tầng khay hoặc thang cáp hạ áp chạy song song dọc theo hành lang kỹ thuật, tầng này chạy trên tầng kia thì khoảng cách giữa hai tầng liên tiếp không được nhỏ hơn 300 mm. Khoảng cách của tầng dưới cùng đối với mặt trên của tầng ống công nghệ chạy phía dưới không được nhỏ hơn 500 mm.
6.25. Tuyến khay hoặc thang cáp trung áp phải được đặt cách xa tuyến khay hoặc thang cáp hạ áp. Khoảng cách này thường không nhỏ hơn 500 mm và phải được kỹ sư phụ trách giám sát thi công phần điện của chủ đầu tư phê duyệt.
6.26. Khay hoặc thang cáp không được đi chung với ống dẫn dầu hoặc khí đốt trong cùng một hành lang kỹ thuật.
6.27. Mỗi tuyến khay hoặc thang cáp phải ở tư thế co dãn tự do trên các giá đỡ hoặc quang treo.
6.28. Khi tuyến cáp đang chạy theo phương nằm ngang đổi sang phương thẳng đứng hoặc ngược lại, khay cáp hoặc thang cáp lần lượt chuyển qua hai góc uốn 135°.
6.29. Khay hoặc thang cáp trung áp phải có màu sắc tương phản hoặc biển báo để phân biệt.
6.30. Trước khi lắp đặt, khay hoặc thang cáp và các phụ kiện phải qua kiểm tra để bảo đảm không có khuyết tật về điện, về cơ học:
- Kiểm tra bằng mắt về sức bền, độ rắn chắc, chất lượng đường hàn và mối nối, lớp sơn phủ, mạ kẽm…
- Kiểm tra tính liên tục về điện.
Điều 7: Lắp đặt cáp và dây điện trong hộp cáp
7.1. Có thể sử dụng hộp cáp để đựng dây và cáp điện ở những nơi khối lượng dây và cáp không nhiều và cáp có đường kính nhỏ. Hộp cáp phải làm bằng kim loại hoặc vật liệu khác có độ bền cơ học cao.
7.2. Hệ thống hộp cáp phải được lắp hoàn chỉnh trước khi đặt dây hoặc cáp điện bên trong máng.
7.3. Hộp cáp phải có nắp đậy suốt chiều dài của nó. Nắp đậy phải dễ tháo lắp để tiện lắp đặt, bảo trì, thay thế dây và cáp, hộp cáp và nắp đậy không được chắp nối ở đoạn đi xuyên qua tường hoặc sàn.
7.4. Hộp cáp đặt ở những nơi mưa hắt phải có cấp bảo vệ không thấp hơn IP23 và phải có biện pháp ngăn chặn nước và hơi ẩm lọt qua các khâu nối vào bên trong hộp cáp.
7.5. Phải xử lý hình dáng và bề mặt các khâu nối hoặc chỗ đổi hướng của tuyến hộp cáp để chúng không làm hỏng cáp và dây đặt bên trong.
7.6. Phải lắp đặt hộp cáp sao cho dễ tiếp cận tại bất kỳ vị trí nào dọc chiều dài của nó để kiểm tra và sửa chữa cáp bên trong.
7.7. Không được đặt hộp cáp trong môi trường ẩm thấp hoặc dễ cháy và những nơi dễ có tác hại cơ học nếu không có biện pháp bảo vệ bổ sung.
7.8. Phải sắp xếp dây và cáp điện bên trong hộp cáp theo thứ tự, ngay ngắn để không khí lưu thông và tản nhiệt dễ dàng.
7.9. Hộp cáp phải được treo hoặc đỡ sau mỗi cự ly 1,5 m và phải ở tư thế co dãn tự do trên các giá đỡ hoặc quang treo.
7.10. Quang treo hoặc giá đỡ phải được cố định vào các kết cấu xây dựng hoặc được hàn vào các mã thép cấy trong kết cấu bê tông của trần.
7.11. Hộp cáp kim loại phải được tiếp đất và được nối vào dây tiếp đất gần nhất (nhưng không được dùng bản thân hộp cáp kim loại làm dây tiếp đất cho một bộ phận thiết bị khác).
Bình Luận